Chúng tôi luôn nghĩ đến câu hỏi này khi đưa các em sinh viên đến làm việc thực tế với các anh chị em khuyết tật ở Tp. Đà Nẵng. Bài tập của các bạn sinh viên khi đến các tổ chức của người khuyết tật sẽ là hướng dẫn một số kiến thức, kỹ năng cho anh chị em khuyết tật dựa vào nhu cầu của họ và dựa vào chuyên ngành mà các em đang theo học. Cuối đợt làm việc, các anh chị em khuyết tật thường chia sẻ học được kiến thức mới, kỹ năng mới từ các bạn sinh viên. Tuy nhiên, từ chia sẻ của các bạn sinh viên, chúng tôi nhận thấy các bạn cũng học nhiều từ những trải nghiệm thực tế như vậy: “Những trải nghiệm này thật tuyệt vời - thú vị, nó giúp chúng tôi hiểu được cách các em nhỏ Điếc giao tiếp thực tế với nhau; cách CDS Đà Nẵng - Trung Tâm Giáo Dục và Hỗ Trợ Người Điếc Miền Trung hỗ trợ các em Điếc học văn hoá. Chúng tôi tự hào vì hôm nay mình cũng trở thành 1 phần trong đó. Sau buổi này, chúng tôi nghĩ là mình sẽ tự tin hơn khi làm việc với các em Điếc. Để xoá bỏ rào cản về thông tin với người Điếc, chúng tôi nghĩ mình có thể học thêm về ngôn ngữ ký hiệu để dễ giao tiếp. Ngoài ra, cũng sẽ lưu ý về vấn đề này trong công việc về công nghệ thông tin sau này để đảm bảo khả năng tiếp cận thông tin cho họ”. “Ban đầu em rất lúng túng, không biết sẽ dạy vi tính cho các anh chị khiếm thị như thế nào. Mãi một lúc mới hình dung ra cách làm. Các anh chị giỏi, học quá nhanh, trí nhớ quá siêu. Lúc nhỏ em mất một thời gian lâu mới học được các ký tự trên bàn phím máy tính. Các anh chị cũng làm tụi em nhận ra mình may mắn quá. Mình có nhiều quá. Các anh chị có nhiều thách thức và thiếu đủ thứ như vậy mà vẫn ham học ”. Và rất nhiều chia sẻ ý nghĩa khác của các em làm chúng tôi nhận thấy chương trình hỗ trợ sinh viên tham gia các Dự án cộng đồng thực tế của chúng tôi không phải chỉ có 1 chiều cho và 1 chiều nhận. Chúng ta học lẫn nhau